Du lịch Lạng Sơn 1 ngày có gì hấp dẫn? Xứ Lạng là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam với 2 cửa khẩu quốc tế, cảnh sắc nên thơ với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
Nhưng nơi đây cũng vô cùng nhộn nhịp với 2 chợ vùng biên sầm uất cùng nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Giờ thì cùng mình bỏ túi ngay một số kinh nghiệm và lịch trình gợi ý du lịch Lạng Sơn 1 ngày qua bài viết sau đây nhé!
Nên du lịch Lạng Sơn 1 ngày vào mùa nào?
Du lịch Lạng Sơn vào bất kỳ mùa nào trong năm cũng đều có những nét thú vị, độc đáo riêng. Nếu muốn một kỳ nghỉ thư giãn, thoải mái, bạn có thể đến xứ Lạng vào những ngày hè.
Còn nếu muốn ngắm cảnh tuyết rơi trắng xóa đất trời thì bạn nên tới đây vào mùa đông. Và nếu muốn khám phá những lễ hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc Lạng Sơn thì tháng Giêng là thời điểm thích hợp cho chuyến đi của bạn.
Theo kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn của mình, dưới đây là những mốc thời gian lý tưởng bạn có thể tham khảo để chọn thời gian phù hợp cho chuyến đi của mình theo sở thích bản thân nha:
Tháng Giêng (tính theo âm lịch): tháng đầu năm này là thời điểm diễn ra rất nhiều các lễ hội vô cùng đặc sắc từ các dân tộc tại Lạng Sơn như: hội chùa Tam Thanh, lễ hội đền Kỳ Cùng, lễ hội Chùa Tiên …
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9: là mùa “na đu dây” chín tại Chi Lăng, nếu bạn muốn thưởng thức món đặc sản Lạng Sơn này thì đừng bỏ qua khoảng thời gian này nhé!
Tầm cuối tháng 7 và cuối tháng 11: đây là khoảng thời gian mùa lúa chín Bắc Sơn, lúc này mà tới đây thì bạn sẽ săn được ảnh lúa vàng đẹp thôi rồi đó.
Tuy nhiên, mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi lên lịch đi vì nó diễn ra chỉ tầm từ 10 – 15 ngày là lúa sẽ được gặt đó.
Cuối tháng 12 đến đầu tháng 1: du lịch Lạng Sơn lúc này bạn sẽ được trải nghiệm mùa đông lạnh giá và ngắm tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn nữa đấy.
Hướng dẫn đi thành phố Lạng Sơn
Phương tiện di chuyển đến Lạng Sơn
Lạng Sơn chỉ cách Hà Nội khoảng 160 km về hướng Đông Bắc và giao thông vô cùng thuận tiện nên bạn có thể lựa chọn di chuyển đi thành phố Lạng Sơn theo 3 cách sau:
Du lịch Hà Nội – Lạng Sơn bằng xe khách: Bạn có thể ra bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm hay Lương Yên để đón xe đi Lạng Sơn với mức giá vé dao động từ 100.000 – 170.000đ/ chiều/ người. Thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ.
Du lịch Lạng Sơn 1 ngày bằng tàu hoả: Từ ga Hà Nội hằng ngày đều có tàu đi Đồng Đăng nhiều chuyến mỗi ngày, chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội sớm nhất là vào 6h sáng và chặng cuối cùng ở Đồng Đăng là 11h40. Giá vé từ 80.000 – 115.000đ/ chiều/ người. Thời gian di chuyển khoảng 2.5h đồng hồ
Du lịch Lạng Sơn 1 ngày bằng phương tiện cá nhân: Nếu bạn du lịch Lạng Sơn bằng ô tô hay xe máy cá nhân thì có thể di chuyển theo cung đường Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn hoặc theo QL5 rồi vào đường 1A.
Với những bạn có dự định đi xe máy thì nên chạy xe thật cẩn thận vì đường 1A là tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa từ Lạng Sơn về các tỉnh nên xe container nhiều vô cùng, đi đường khá là nguy hiểm đó nha.
Di chuyển tại Lạng Sơn
Taxi: Nếu bạn đi theo nhóm đông hay đi cùng gia đình thì taxi là một lựa chọn phù hợp. Nhưng bạn chỉ nên gọi taxi khi di chuyển trong thành phố Lạng Sơn thôi, vì các điểm du lịch ngoại thành thường không có xe đi đâu, như đỉnh Mẫu Sơn chẳng hạn.
Xe ôm: Vì “xe ôm công nghệ” ở đây chưa có phổ biến nên xe ôm truyền thống vẫn hoạt động rất nhiều. Vậy nên bạn phải “chốt giá” trước khi đi để khỏi bị các bác xe ôm “chém ngọt” nhé.
Xe bus: đây phương tiện công cộng giúp bạn di chuyển đến các điểm tham quan trong thời gian du lịch Lạng Sơn với giá rẻ và rất tiện lợi.
Xe máy: bạn có thể thuê xe máy tại các địa điểm cho thuê xe máy hoặc hỏi ngay tại khách sạn nơi mình ở nha. Có điều dịch vụ cho thuê xe máy ở đây chưa được phát triển cho lắm.
Các địa điểm du lịch Lạng Sơn nổi tiếng
Du lịch Lạng Sơn thật sự có rất nhiều điểm đến hấp dẫn đáng để ghé qua một lần. Và giúp mọi người dễ hình dung “bản đồ du lịch Lạng Sơn” hơn để tiện sắp xếp lịch trình vui chơi trong ngày, mình sẽ giới thiệu những “khu du lịch Lạng Sơn” trước khi chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết từng điểm đến:
Tp. Lạng Sơn: cách Hà Nội 153km theo đường quốc lộ 1A.
Ải Chi Lăng: Nằm ngay gần quốc lộ 1, đoạn đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn, bạn có thể kết hợp đi cùng trong 1 ngày
Mẫu Sơn: cách Tp. Lạng Sơn chỉ tầm 30km về phía Đông Bắc
Cao Lộc: cách Tp. Lạng Sơn khoảng 13km về phía Bắc
Bắc Sơn: nằm về phía Tây tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150km và cách Tp. Lạng Sơn khoảng 100km (3 điểm này tạo thành một hình tam giác).
Dựa vào vị trí này, có thể thấy du lịch Lạng Sơn 1 ngày bạn có thể kết hợp tối đa cả 4 địa điểm 1,2,3,4. Còn địa điểm số 5 – Bắc Sơn nên đi riêng 1 ngày khác nha.
Thành phố Lạng Sơn
Chùa Tiên – Giếng Tiên
Hang động Chùa Tiên và Giếng Tiên cách cầu Kỳ Cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng.
Đây là núi Đại Tượng, có động Chùa Tiên – một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã từng ghi nhận. Động Chùa Tiên nằm ngang chừng núi với lối lên cao 64 bậc, cửa phụ quay về hướng Đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ Thu Thuỷ. Đúng theo kiểu “tựa sơn hướng thủy”.
Chùa Tiên thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong.
Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều văn bia của các văn nhân, thi sĩ thời xưa, trong đó có bài “Trấn Doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên xứ Lạng.
Đền Kỳ Cùng
Đền Kỳ Cùng có kiến trúc độc đáo với phong cảnh đẹp, là điểm đến tâm linh nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi du lịch Lạng Sơn 1 ngày đều khó lòng bỏ qua. Nằm tại phường Vĩnh Trại, đây là nơi linh thiêng thờ thần Giao Long có nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hoà.
Bên trong đền còn có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong Doanh Bát Cảnh của Ngô Thì Sỹ.
Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc có hướng dựa vào núi nàng Tô Thị, là một căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ VII trước đây.
Dấu tích này hiện nay gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi.
Để lên cổng thành nhà Mạc, bạn cần đi qua hơn 100 bậc tam cấp để vào tới trong thành là một khu đất trống rộng. Nếu đứng trên thành nhìn về phía Đông, bạn có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn xinh đẹp
Động Nhị Thanh
Là một hang đá tự nhiên từ cửa trước ra cửa sau dài hơn 500m cùng nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, động Nhị Thanh gắn liền với danh nhân Ngô Thì Sỹ.
Ông là người đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho tu sửa tôn tạo thành nơi du ngoạn vào tháng 5 năm 1779.
Ðộng Nhị Thanh khá rộng, có nhiều ngóc ngách, nhiều nhũ đá rơi xuống muôn hình vạn dạng. Từ cửa động chính nhìn lên là ngôi chùa Tam Giác thờ Khổng Tử, Lão Tử và Thích Ca.
Trong động có tượng truyền thần Ngô Thì Sĩ tạc vào vách đá và trên vách động còn ghi nhiều bài ký phú của ông và các danh nhân.
Chợ đêm Kỳ Lừa
Chợ đêm Kỳ Lừa là nơi bạn có thể tham quan nhịp sống thành phố Lạng Sơn về đêm. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc.
Chợ Kỳ Lừa mỗi tháng họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Đến chợ bạn có thể tha hồ mua sắm đồ gia dụng, đồ điện tử hoặc thưởng thức một số đặc sản xứ Lạng nhé.
Cuối năm 2020, Lạng Sơn khai trương thêm tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa, mở cửa từ 8h – 24h thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các gian hàng lưu niệm, ẩm thực sẽ được tổ chức xung quanh chợ Kỳ Lừa và các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri…
Núi Phai Vệ
Núi Phai Vệ nhìn từ trên cao trông như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa lòng thành phố Lạng Sơn với cột cờ cao 80m.
Để lên được đỉnh núi, bạn phải vượt qua 535 bậc đá. Đứng từ cột cờ còn có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng quanh co uốn lượn. Nếu ghé thăm nơi đây vào khoảng 17h – 18h, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngắm hoàng hôn cực đẹp đó.
Lịch trình du lich lạng sơn 1 ngày
Sáng: Hà nội – Lạng sơn[Ăn Trưa]
05h00: Xe và HDV của Lead Travel đón quý khách tại điểm hẹn khởi hành đi Tour Lạng Sơn 1 Ngày, trên đường quý khách dừng chân, nghỉ ăn sáng tại thị trấn Mẹt (chi phí tự túc)
Hướng dẫn viên sẽ cung cấp cho quý khách những thông tin về điểm đến và những điểm mà xe đi qua, để du khách nắm được giá trị lịch sử, văn hóa …vùng miền
08h00: Đến Ải Môn Quan quý khách nghe thuyết minh _ tìm hiểm giá trị lịch sử của Ai Môn Quan, qua từng thời kỳ.
sau đó tiếp tục hành trình đi Lạng Sơn – thăm và vào lễ mẫu Đồng Đăng. quý khách chiêm bái, xin Lộc – Bình An…
10h00: Lên ôtô khởi hành đi thăm quan Cột cờ Phai Vệ _ Không chỉ là điểm nhấn quan trọng, còn là niềm tự hào cao ngút trời của người dân xứ Lạng.
Ngoài ra Núi Phai Vệ còn mang giá trị lịch sử bởi đây là nơi bộ đội ta trú ẩn trong suốt kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ.
Nơi đây giờ trở thành nơi ngắm cảnh, chụp ảnh, view toàn thành phố Lạng Sơn, mà Du Khách không thể bỏ qua,
12h00: Quý khách lên xe về TP. Lạng Sơn ăn trưa – thưởng thức các món ăn đặc sản của Lạng Sơn.
Chiều: Lạng sơn – hà nội
13h30: Xe đưa quý khách đi thăm quan động Tam Thanh & Chùa Tam Thanh, làm lễ tại chùa. Quý khách di chuyển theo lỗi ra, ngắm nàng Tô Thị toàn cảnh thị xã Lạng Sơn….Sau đó vào thăm và tự do mua sắm tại chợ Đông Kinh.
16h00: Quý khách lên xe khởi hành về Hà Nội. Kết thúc chương trình du lịch Lạng Sơn 1 ngày. Chia tay và hẹn gặp lại quý khách.
Đặc sản Lạng Sơn bạn không nên bỏ lỡ
Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản đã làm nên ẩm thực xứ Lạng phong phú nơi đây.
Vịt quay lá mắc mật
Vịt quay Lạng Sơn được làm từ giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi làm sạch sẽ được tẩm các hương liệu đặc biệt chỉ có tại những vùng núi rừng phía Bắc.
Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo từ khâu nêm nếm gia vị cho đến công đoạn quay. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt là ngon hết sẩy luôn.
Gợi ý địa chỉ ăn ngon:
Quán vịt quay Mật Mật: số 15 Bắc Sơn – Vĩnh Trại – Tp. Lạng Sơn
Quán vịt quay Hùng Hưng: số 13 Bắc Sơn – Vĩnh Trại – Tp. Lạng Sơn
Quán vịt quay Hà Nga: số 157 Hùng Vương – Tp. Lạng Sơn
Phở chua Lạng Sơn
Phở chua là đặc sản ở rất nhiều tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… Đặc sản xứ Lạng này được chế biến rất cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn.
Một bát phở chua truyền thống có đến đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng…
Kết hợp cùng các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang… Ăn thử một miếng phở chua, bạn có thể cảm nhận đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh. Món này cực kì “cuốn” và dễ ăn nha.
Gợi ý địa chỉ ăn ngon:
Phở chua đường Lê Lai – Tp. Lạng Sơn
Quán phở Phượng: 73 Nhị Thanh – Tp. Lạng Sơn
Heo quay Lạng Sơn
Heo quay xứ Lạng được chế biến vô cùng kỳ công. Điểm đặc biệt có món đặc sản Lạng Sơn này là ngoài cách chấm cùng xì dầu hoặc các loại đồ chấm pha chế khác thì còn một kiểu chấm vô cùng độc đáo là dùng ngay phần nước từ trong con lợn có được trong lúc quay thịt và ngấm ra từ phần gia vị nhồi vào lúc trước.
Miếng thịt heo quay vàng rộm thơm lừng, cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mắc mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần là bạn sẽ nhớ mãi.
Bánh ngải Lạng Sơn
Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước.
Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn.
Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quyện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào.
Khâu nhục – đặc sản Lạng Sơn “độc – lạ”
Khâu nhục hay còn gọi nằm khâu, là món truyền thống của dân vùng cao xứ Lạng, được chế biến vô cùng cầu kỳ từ thịt ba chỉ sau khi được ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu… và hấp cách thủy trong thời gian dài.
Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau khi du nhập vào Việt Nam được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây.
Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù. Món khâu nhục này ăn cực kì lạ miệng và ngon, nếu có cơ hội bạn nhất định phải thử nhé!
Bánh áp chao
Bánh áp chao trông từa tựa bánh rán, nhưng sự khác biệt thì ẩn giấu bên trong. Nhân bánh là thịt vịt chuẩn xứ Lạng, tẩm ướp làm sao đó mà rất đậm đà.
Bánh lên đĩa vẫn thật nóng, bạn có thể ăn kèm với nước mắm chua ngọt ngâm gỏi đu đủ xanh, thêm ít ớt tiêu cay tê tê đầu lưỡi và rổ rau sống xanh mơn mởn chống ngán.
Từng miếng bánh màu nâu vàng ruộm, cắn bên ngoài giòn tan, bên trong thơm thơm dẻo dẻo, hòa quyện với vị thịt vịt ngọt béo đặc trưng, lại sần sật sụn xương đã miệng.
Đi Lạng Sơn mua gì làm quà?
Đào Mẫu Sơn
Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên rất được du khách yêu thích.
Mặc dù nhiệt độ ở độ cao 1000m rất thấp, nhưng đào Mẫu Sơn vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.
Quả đào Mẫu Sơn có màu sắc, hương vị không giống với bất cứ đào ở nơi nào khác. Mỗi quả to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg, khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng.
Na Chi Lăng
Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Cứ mỗi độ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín.
Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây. Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc.
Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã làm ra những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khách du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây”.
Món đặc sản này được bày bán khắp dọc đường từ Chi Lăng lên thành phố Lạng Sơn nên bạn có thể dễ dàng mua làm quà khi du lịch Lạng Sơn 1 ngày nhé!
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là loại rượu nức tiếng cả nước bởi sự kết hợp giữa nguồn nước suối tinh khiết chảy ra từ lòng núi với khí hậu trong lành quanh năm mát mẻ ở đỉnh Mẫu Sơn.
Loại rượu này không có màu trắng đục mà trong suốt như nước suối, mùi thơm nồng nàn, cuốn hút. Rót rượu ra chén rượu sủi tăm trông rất thích mắt.
Thay vì vị cay đắng thông thường, rượu Mẫu Sơn uống rất dịu, vị đậm đà nhưng lại không quá nồng nặc, có chút ngọt ngọt thơm dịu của lá và rễ cây thuốc xứ Lạng.
Măng ớt ngâm Lạng Sơn
Nguyên liệu chính làm nên món đặc sản măng ớt Lạng Sơn vô cùng đơn giản: măng tươi, ớt, tỏi cùng các gia vị đi kèm như muối, đường, giấm gạo tạo nên món măng ớt ngâm nổi tiếng.
Điểm đặc biệt của măng ớt ngâm ở Lạng Sơn là khi ngâm người ta cho thêm quả của cây mắc mật thì món măng ớt ngâm chua sẽ ngon hơn và có hương thơm hơn hẳn. Ngâm chừng một tuần thì món ăn đã hoàn thành và có thể mang ra thưởng thức.
Người dân Lạng Sơn đóng gói măng chua vào trong các hũ nhỏ để tiện thuận tiện cho du khách mang về làm quà. Bạn có dịp ghé Lạng Sơn thì đừng quên mua vài hũ măng chua ớt về làm quà cho người thân, bạn bè ở nhà nhé!
Lạp xưởng tươi Lạng Sơn
Lạp xưởng Lạng Sơn là một trong những loại lạp xưởng ngon nhất được nhiều người yêu thích. Hương vị đặc trưng của món đặc sản Lạng Sơn này sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Món lạp xưởng này được chế biến từ thịt nạc vai đã qua tẩm ướp, nhồi vào lòng non đã sơ chế rồi đi phơi dưới trời nắng hoặc hong lạp xưởng trên bếp than hoa cho đến khi khô cũng được.
Lạp xưởng tươi rán rất ngon, khi rán chỉ cần cho rất ít mỡ rồi rán nhỏ lửa để vàng đều là được. Bạn có thể ăn cùng với cơm hay xôi đều rất ngon miệng nhé!
Với toàn bộ kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn 1 ngày siêu đầy đủ và chi tiết trên đây, chắc chắn bạn đã có trong tay một cuốn cẩm nang hữu ích để tự tin vi vu khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc này.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.